logo hiểu về tiêm chủng

Định nghĩa bệnh

Đường lây

Đối tượng

Biểu hiện và triệu chứng

Biến chứng

Cách phòng ngừa

Nguồn tham khảo

Bệnh Bạch hầu là gì?

    Bệnh Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nhiễm độc do trực khuẩn Bạch hầu (Corynebacterium diphtheria) gây ra. Vi khuẩn tiết ra ngoại độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của
    cơ thể.(3)

Cách thức lây truyền

    Nguồn lây bệnh không chỉ là người bệnh mà còn là những người lành mang trùng (có nhiễm vi khuẩn bạch hầu nhưng không biểu hiện triệu chứng)(4).

    Bệnh Bạch hầu được lây truyền qua:
    • Lây qua giọt bắn từ đường hô hấp (ho hay hắt hơi).
    • Do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn Bạch hầu.
    Nếu không được điều trị, vi khuẩn có thể tồn tại trong dịch tiết và lây truyền cho người khác từ 2-6 tuần sau khi khởi phát bệnh.(4)

Biểu hiện & Triệu chứng của bệnh Bạch hầu

    Sau khi nhiễm khuẩn, bệnh có thời gian ủ bệnh từ 2-5 ngày hoặc có thể lâu hơn.(4)

    Triệu chứng bệnh tùy thuộc vào vị trí tổn thương
    • Đường hô hấp: bạch hầu mũi, bạch hầu họng, bạch hầu amidan, bạch hầu thanh quản.
    • Ngoài đường hô hấp: bạch hầu da...
    Triệu chứng của thể Bạch cầu họng-amidan gồm:
    • Sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn, sưng, hạch cổ.
    • Sau 2-3 ngày phát bệnh: xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng và/hoặc trên amidan, có màu trắng ngà, xám hoặc đen.
    • Dấu hiệu quan trọng để nhận biết giả mạc của Bạch hầu: Gỉa mạc dai, dính, dễ chảy máu nếu cố bóc tách.
    • Có thể có dấu hiệu khó thở, khó nuốt.(3)
    • Trường hợp bệnh nặng: có thể không sốt cao nhưng có dấu hiệu sưng to cổ, khàn tiếng, khó thở, rối loạn nhịp tim, liệt.(3)
    Bệnh có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6-10 ngày(3). Ngay cả khi được điều trị, tỉ lệ tử vong vẫn có thể lên đến 10%. (4 )
    Xem thêm

Biến chứng khi mắc bệnh Bạch hầu(2)

    Biến chứng của bệnh chủ yếu do ngoại độc tố gây ra. Một số biến chứng thường gặp là:
    • Suy hô hấp, có thể gây ngừng thở: do giả mạc gây bít tắc đường thở.
    • Viêm cơ tim: có thể dẫn đến suy tim và tử vong.
    • Viêm dây thần kinh: chủ yếu ảnh hưởng dây thần kinh vận động và gây liệt cơ vùng hầu họng, cơ tứ chi...
    • Một số biến chứng khác như viêm thận, viêm tai giữa...
    Xem thêm

Cách phòng ngừa

    Tiêm vắc-xin là biện pháp cần thiết để phòng bệnh Bạch hầu.

    Hiện nay, vắc-xin Bạch hầu thường được bào chế dưới dạng phối hợp (kết hợp với các thành phần ngừa các bệnh khác), giúp đơn giản hóa quá trình tiêm chủng.(1)

    Hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn loại vắc-xin thích hợp nhất.
    Vì tương lai của trẻ, hãy cho trẻ tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch(3)

    Xem thêm

Nguồn tài liệu tham khảo

(1) Hội Y học Dự phòng Việt Nam. 2023. Tiêm chủng cho mọi lứa tuổi. Hà Nội: Nhà xuất bản Y học.
(2) Hexpert Program, Sanofi
(3) http://tiemchungmorong.vn/vi/content/cac-dau-hieu-nhan-biet-benh-bach-hau.htm
(4) https://vncdc.gov.vn/benh-bach-ha u-nd14501.html